"Văn Lang/Người Việt
Kỳ 2
Nhưng công nghệ nào cũng không bằng công nghệ bảo kê cho xe của những chủ hàng lớn. Vì giới hạn tải trọng xe, cũng như quy định về giờ giấc lưu thông rất ảnh hưởng tới công việc kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh gay gắt về lợi nhuận.
Thế là các xe đã được chủ “đóng hụi chết” cho cảnh sát giao thông ngang nhiên qua trạm với trọng tải gấp đôi, thậm chí gấp ba quy định mà không hề hấn gì, các xe này phân biệt với các xe khác bởi một ký hiệu riêng gắn ở kiếng trước xe. Nhìn thấy dấu hiệu này thì cảnh sát các trạm hay cảnh sát tuần tra giao thông biết ngay là “bồ tèo” với nhau nên không bao giờ chận xét.
Vì dư luận ồn ào về chuyện “xe vua”, “xe bảo kê” nên có hai cô nhà báo đi “phục kích” chụp hình làm phóng sự điều tra. Chẳng may trong lúc tác nghiệp họ bị cảnh sát giao thông phát hiện và rượt đuổi chạy tuốt vô rừng, cũng may là trời tối lại bị lọt xuống hố, cảnh sát tìm không ra. Sau đó họ dùng điện thoại di động gọi bạn bè tới cứu...
Khi thực hiện bài viết này, biết là chụp hình cảnh sát giao thông đang “làm luật” là rất khó và cũng rất nguy hiểm. Nhưng chúng tôi cũng quyết định thử “vận may” bằng cách ra “phục” tại một ngã tư vùng ven thuộc quận 12 - là cửa ngõ có nhiều xe tải ra vô thành phố. Khoảng hơn chín giờ sáng, hai viên cảnh sát đi mô-tô tới đậu tại ngã tư, chúng tôi hồi hộp chờ đợi và cũng kiếm góc khuất để tiện chụp hình mà không sợ bị phát hiện.
Khi đoàn xe tải xuất hiện, viên cảnh sát cầm dùi cui ra hiệu, có ba chiếc xe tải ngoan ngoãn tấp vô lề. Chúng tôi hồi hộp tới vã mồ hôi nhưng cũng cố zoom máy để chụp cận cảnh. Trong khi mấy tài xế mở cửa xe, nhẩy xuống đi về phía hai viên cảnh sát để trình diện thì đột nhiên viên cảnh sát lớn tuổi hơn (có lẽ là chỉ huy) ghé tai viên cảnh sát trẻ hơn nói gì đó, cả hai vội vàng leo lên mô-tô cảnh sát rồ ga rồi phóng thẳng trước sự ngỡ ngàng đến sửng sốt của mấy bác tài xế xe tải...
Chuyện cảnh sát thời này, thời kia, nước này nước kia ăn hối lộ ở những cấp độ khác nhau, chúng tôi không có ý định “quơ đũa cả nắm” vì cảnh sát giao thông Việt Nam cũng có người bắt cướp, hay nhặt được của rơi trả lại. Chúng tôi chỉ nêu ra những sự việc mà chúng tôi từng chứng kiến, còn bình luận đánh giá là quyền của độc giả.
Như có lần ngồi trên xe Bus tôi đã tình cờ chứng kiến cảnh người bận áo xanh của lực lượng dịch vụ công ích đang chăm chú điều khiển - hướng dẫn giao thông, thì viên cảnh sát giao thông bận cảnh phục nghiêm chỉnh đứng gần đó chẳng ngó ngàng gì tới trật tự giao thông mà lo chặn một thanh niên chạy lạc đường, khi người thanh niên này rút ra tờ giấy một trăm ngàn thì người cảnh sát vui vẻ chỉ đường cho đi.
Ðiều vô lý là lực lượng áo xanh, trước kia là lực lượng thanh niên xung phong, nay chuyển qua là công ty dịch vụ công ích, hay đứng trợ giúp công an giao thông tại các tuyến đường nội thành đông xe qua lại, lực lượng này chỉ có chức năng hướng dẫn, giải thích cho người đi đường mà không có quyền chặn xe hay phạt người vi phạm. Trong khi lực lượng áo xanh không kể mưa nắng sát cánh cùng công an giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt thì lực lượng cảnh sát giao thông lại rảnh tay không lo nhiệm vụ chính mà quay qua... ăn hối lộ.
Sách xưa có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người giữ gìn kỷ cương luật pháp lại trắng trợn vi phạm luật pháp dẫn tới việc dân chúng không phục. Ðã xẩy ra mấy vụ đụng độ của dân chúng với cảnh sát giao thông. Như mấy năm trước vì bênh vực hai thanh niên đi đường chạy xe vượt trạm bị cảnh sát giao thông đuổi theo hành hung, dân chúng khu vực đường Ðề Thám-Sài Gòn đã lật úp mấy xe của cảnh sát giao thông rồi nổi lửa đốt. Hay như mới đây dân chúng huyện Kỳ Anh (Nghệ Tĩnh) cũng đã đốt xe của cảnh sát gia thông vì cho rằng tại cảnh sát giao thông rượt người mà người thanh niên phạm luật kia mới đâm đầu vào xe tải chết.
Chuyện mới đây, khi hai người bạn tôi chạy xe Honda trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn từ quận 7 hướng ra chợ đầu mối Bình Ðiền thuộc Bình Chánh. Vì giao lộ khá rộng, đèn xanh ở giai đoạn cuối, chạy ra tới đầu đường bên kia thì bị đèn đỏ, anh bạn tôi thú nhận là khu này anh không rành đường, hệ thống đèn giao thông khá phức tạp nên anh có bị lung túng khi xử lý.
Lúc bị cảnh sát giao thông chặn lại, anh cũng đồng ý là mình có lỗi, nhưng cùng trình bày tình cảnh thật của mình và có nói thêm là già như anh thì còn sức đâu mà đua xe hay vượt đèn đỏ? Người cảnh sát giao thông cho biết theo luật thì anh sẽ bị giam xe một tháng, người bạn đi cùng hoảng quá vội móc ra một trăm ngàn đồng, xin bỏ qua cho người bạn. Viên cảnh sát hỏi, khi bị nhét tiền vào tay: “Cái gì đây? Cái gì đây?”, nhưng rồi cũng nhận và cho đi.
Lần khác, tôi cũng ngồi trên xe Bus, khi người tiếp viên lấy tiền mà không xé vé cho một anh chàng kia. Con gái anh ta chừng hơn 4 tuổi, lên tiếng: “Ba ơi! Sao cô không xé vé cho Ba?” Anh chàng cười xoa đầu con gái, nựng: “Người ta cũng phải kiếm thêm chứ con?” Thấy tôi chăm chú nhìn hai cha con, anh chàng quay qua tôi kể: “Bữa trước, quên đem giấy tờ xe, bị cảnh sát thổi, tôi móc tiền ra tính đưa thì con bé nó hỏi - Ba ơi! Sao Ba lại đưa tiền cho chú công an? Mình nghe chưng hửng, chưa biết trả lời sao thì tay công an kêu cất tiền đi rồi cho hai cha con đi”.
Luật Việt Nam quy định người nhận hối lộ có tội, người đưa hối lộ cũng có tội. Và trước kia để chống tham nhũng, hối lộ trong lực lượng cảnh sát giao thông, ngành này quy định là khi cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ thì không được mang theo tiền cá nhân trên một trăm ngàn. Như vậy thanh tra hay đội kiểm tra của ngành dễ dàng “bắt quả tó”. Kể từ ngày 20 tháng 5, quy định là người nào đưa hối lộ cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng Việt Nam và tước giấy phép lái xe 60 ngày...
Chúng tôi chỉ hy vọng là sau này những người cha, người mẹ ở Việt Nam không phải trả lời những câu hỏi ngây thơ, trong sáng của những đứa con bé bỏng: “Tại sao Ba... Tại sao Mẹ, lại phải đưa tiền cho mấy chú công an?!”"
(Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113281&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/11775162
0 comments:
Post a Comment