"Các chuyên gia điện toán Hoa Kỳ nói giới blogger chính trị ở Việt Nam đang đối diện làn sóng tấn công mới của tin tặc nhằm đánh sập website của họ và dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến.
Hãng thông tấn Associated Press trích nguồn một phân tích mới của hãng an ninh mạng SecureWorks nói hơn 15.000 máy tính chứa virus đã tham gia tấn công một số website bị cho là bất đồng chính kiến ở Việt Nam và "một nhóm thanh niên" đã nhận là từng tổ chức tấn công tin tặc trong quá khứ.
Đợt tấn công tin tặc mới nhất này được cho là trùng hợp với làn sóng trấn áp các blogger hay chỉ trích chính phủ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bản báo cáo của SecureWorks, công ty có trụ sở đặt tại Atlanta, không thể xác định được liệu các tin tặc có hoạt động cho Nhà nước Việt Nam hay Đảng Cộng sản hay không.
Hãng AP trích lời ông Joe Stewart, chủ trì nghiên cứu phần mềm ác tính của SecureWorks, nói tuy việc sử dụng một hệ thống máy tính nhằm đánh sập các wesbite là chuyện thường xảy ra, đợt tin tặc mới nhất này xem ra khá tập trung.
Ông Stewart nói rằng các đợt tấn công cho thấy đang có xu hướng tin tặc được sử dụng để chuyển tải thông điệp chính trị thay vì để lừa đảo lấy tiền như vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Dập tắt bất đồng
Trong phân tích mới, ông Joe Stewart viết: "Rõ ràng mục tiêu sử dụng các phần mềm ác tính là để dập tắt các chỉ trích chính thể Việt Nam và ngăn chặn chúng vượt ra ngoài lãnh thổ nước này".
Tuần vừa rồi, hai blogger bị bắt ở Việt Nam và người thứ ba, blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) tiếp tục bị giam giữ cho dù đã hoàn tất án tù hai năm rưỡi vì tội trốn thuế.
Trong một phỏng vấn với hãng AP, chuyên gia an ninh mạng Stewart nói rằng đợt tấn công tin tặc mới dường như trùng hợp với thời điểm blogger Điếu Cày được thả và có thể có mục tiêu ngăn chặn phản đối trên các trang mạng trong trường blogger này tiếp tục bị giữ.
Nếu quả như vậy, theo ông Stewart, có thể có sự liên hệ nào đó giữa "tác giả" của đợt tin tặc và cơ quan công an Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, đã có cáo buộc từ tập đoàn Google về một đợt tin tặc nhằm vào các trang mạng có nội dung nhạy cảm về chính trị, nhất là các trang chứa thông tin phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của chính quyền.
Theo Google, tin tặc phát tán phần mềm ác tính (malware) qua việc tải phần mềm dùng để đánh font chữ tiếng Việt hoặc phần mềm khác, và con số người bị ảnh hưởng có thể tới hàng chục nghìn."
( BBC: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=134&article=184897
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/20134522
0 comments:
Post a Comment