"Phó thủ tướng: “Không thể không làm”
HÀ NỘI 12-6 (NV) - Ða số người Việt Nam được thăm dò dư luận nói rằng không nên làm hệ thống đường xe điện cao tốc, theo cuộc thăm dò của báo Người Lao Ðộng.
Trong khi đó, Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng khi trả lời chất vấn ở Quốc Hội Hà Nội thì cả quyết “không thể không làm”.
Cả nước bàn tán sôi nổi về dự án đường xe điện cao tốc theo công nghệ Nhật Bản Shinsenken dự trù tốn kém đến $56 tỉ USD mà ngay ở Quốc Hội thường bị coi là đại biểu bù nhìn cũng rất nhiều người vạch ra tính chất xa xỉ, học làm sang trong khi đất nước vẫn là một trong những nước nghèo trên thế giới.
Chế độ Hà Nội muốn làm “đường sắt cao tốc” trong khi những ngày cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, mọi người vẫn còn ngỡ ngàng, đau xót vì dân chúng ở làng Pô Kô huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum, không có cầu, phải đu dây qua sông. Nhiều người đã rớt xuống sông và có người đã thiệt mạng.
Bản thăm dò dư luận thấy trên báo Người Lao Ðộng điện tử ngày Thứ Bảy 12 tháng 6 năm 2010 đưa ra 3 câu hỏi:
1. Nên. Vừa phục vụ nhu cầu đi lại Bắc-Nam vừa xây dựng hình ảnh đất nước hiện đại.
2. Không nên. Tiền đâu mà làm một dự án hoành tráng như thế trong thời suy thoái kinh tế?
3. Nên nhưng từ từ, nghiên cứu thêm một thời gian nữa cho chắc chắn.
Kết quả: 75 người trả lời là nên (tỉ lệ 13%), 273 người trả lời là không nên (tỉ lệ 47%), và 228 người trả lời là nên từ từ nghiên cứu thêm (chiếm 40%).
Khi ra trả lời chất vấn của đại biểu Ðặng Như Lợi ở Quốc Hội Hà Nội hôm Thứ Bảy khi thấy Bộ Giao Thông Vận Tải của chế độ “cái nhỏ còn làm chưa xuể thì nói gì cái lớn”, ông Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng, đã nói ngay: “Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc”.
Dịp này, ông Hùng hồ hởi đưa ra cái bánh vẽ khi nói lợi tức của người Việt Nam năm 2050 (tức 40 năm nữa) sẽ lên đến $20,000 USD/năm. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều nêu ra những suy nghĩ và tính toán sai lầm của các dự thảo sơ khởi cửa dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam, lợi tức đầu người của người dân. Nhưng như những dự án từng bị đả kích dữ dội như khai thác bauxite, thủy điện Sơn La, xưởng lọc dầu Dung Quất v.v... chế độ Hà Nội chưa hề rút lại những “chủ trương lớn” của đảng.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VietNamNet ngày 20 tháng 5 năm 2010, bà Phạm Chi Lan, một chuyên viên kinh tế nói dự án đường sắt cao tốc là “một thứ xa xỉ” khi mà đất nước vẫn chỉ là nước có lợi tức trung bình. Nhiều người đã cáo buộc những kẻ cầm đầu chế độ Hà Nội trước khi chấm dứt nhiệm kỳ vào năm tới “đã làm chuyến tàu vét” khi muốn Quốc Hội thông qua “siêu dự án” đường sắt cao tốc. Vét cái gì? Sự ám chỉ này không nói ra, ai cũng có thể hình dung.
Khi tham dự một cuộc hội thảo về đường sắt cao tốc Bắc Nam 1700 km do Bộ GTVT và Hội Khoa Học Kỹ Thuật tổ chức ở Hà Nội ngày 11 tháng 5 năm 2010, nhiều chuyên viên cho hay những người làm dự án này chưa tính đến các rủi ro kinh tế, bởi vậy, vừa chủ quan, vừa không thực tế.
Ngay như con đường dọc trường sơn “Hồ Chí Minh”, chế độ Hà Nội đổ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng, ông Nguyễn Xuân Trục của “Hội Xây Dựng Cầu Ðường” nói rằng “khi tính toán thì hiệu quả kinh tế, tài chính, lưu lượng xe chạy rất lớn, nhưng thực tế kém hơn hàng chục lần”.
Theo bản dự thảo, đường sắt cao tốc Bắc-Nam dài 1.570 km, sẽ có 27 ga (25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối), đi qua 20 tỉnh, thành phố, với tổng mức đầu tư là $55.853 triệu USD. Dự tính khởi công từ năm 2014, và bắt đầu hoạt động từ năm 2020. Với tốc độ 300 km/giờ, tàu sẽ chạy trong 5 giờ 38 phút từ Hà Nội đến Sài Gòn (đối với tàu nhanh, chỉ ngừng ở các ga Vinh, Ðà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga.
Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng nói ở Quốc Hội là ông “không lo chuyện tiền” (tài trợ) nhưng người trả nợ là các thế hệ tương lai vẫn sẽ è cổ gánh món nợ có thể lên hơn trăm tỉ đô la mà khi đó có thể ông đã chết rồi và hiệu năng của dự án quá thấp."
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114267&z=2 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12644372
0 comments:
Post a Comment