"Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg)
1. Tất cả các cầu thủ không ai nói với một lời nào. Hậu vệ Carlos Bocanegra ngồi bệt xuống sân, khuôn mặt thẫn thờ không tin vào sự thật. Thủ môn Tim Howard cũng buồn bã rời sân, quên cả lấy chai nước anh thường mang theo mỗi lần ra trận. Người hùng Landon Donovan cũng chẳng nói câu nào, vừa đi vừa cởi chiếc áo để đổi cho một cầu thủ Ghana, trong khi anh bạn đồng đội Maurice Edu nằm dài trên sân cỏ, mắt ngước nhìn trời.
Ở ngoài sân, ông huấn luyện viên Bob Bradley cũng bước thật nhanh vào phòng thay áo, không nói gì với dàn phụ tá đi đằng sau. Một vài phút trước đó, ông huấn luyện viên hội tuyển Hoa Kỳ ôm vai ông huấn luyện viên Milovan Rajevac của Ghana nói lời chúc mừng và chúc may mắn. Lời chúc đó dài không qua 10 giây đồng hồ.
Những sự kiện nêu trên xảy ra tối hôm qua ở sân Nam Phi. Hoa Kỳ vừa thua Ghana 1-2 trong trận tranh tài của vòng 16. Ghana sẽ đi tiếp ở tứ kết, Hoa Kỳ chính thức chia tay với World Cup 2010.
2. Kể từ ngày đến Nam Phi, ông huấn luyện viên Bradley và ngay cả những cầu thủ Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng nói: “Quyết định thắng bại của những trận banh quan trọng chỉ xảy ra trong tích tắc” và “ai biết nắm lấy cơ hội đó sẽ là người thành công.” Tích tắc đó đến vào phút thứ 3 của hiệp phụ, và nắm bắt cơ hội là tiền đạo Asamoah Gyan của Ghana chứ không phải hàng hậu vệ của Hoa Kỳ. Ðưa ngực hứng quả banh do bạn đồng đội đá từ xa tới, Gyan xả hết tốc lực chạy đua với thủ quân Bocanegra của hội tuyển Hoa Kỳ, trong khi anh hậu vệ Mỹ Jay DeMerit cũng cố gắng chạy về cứu nguy.
Tất cả đều quá trễ: cú sút chân trái và đường banh như sấm sét của Gyan đi thẳng vào góc, thủ môn Tim Howard tung người cứu nguy nhưng không kịp. Bàn thắng quyết định trận banh đó đã đưa Ghana vào đến tứ kết, giúp hội tuyển duy nhất của Phi Châu còn sót lại ở World Cup 2010 cơ hội gặp Uruguay để tranh vé vào bán kết. Bất kể hội nào thắng hay thua ở trận tới, cả Ghana lẫn Uruguay đều không phải là ứng viên mọi người chờ đợi.
3. Ðây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ gặp Ghana ở World Cup và cũng chẳng phải lần đầu tiên Hoa Kỳ chấp nhận thua cuộc với tỷ số 1-2. Bốn năm trước đây ở vòng bảng của sân World Cup Ðức, các cầu thủ Hoa Kỳ đã nếm mùi thất trận như thế này. Mới hôm qua (Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2010), Landon Donovan còn nhắc lại chuyện cũ, bảo thất bại đó đã khiến anh và những bạn đồng dội xuống tinh thần. Dù anh không nói ra, nhưng những gì anh trình bày đủ để cho mọi người hiểu Ghana đang nợ Hoa Kỳ một món nợ và trận tranh vòng 16 ở Nam Phi là cơ hội để hội tuyển Hoa Kỳ đòi món nợ cũ.
4. Món nợ cũ bao giờ cũng khó đòi. Từng có lúc các cầu thủ Hoa Kỳ thấy được chiến thắng nằm ở ngay chân mình nhưng tất cả các cú dứt đều không tới đích. Cả Edu lẫn Clint Dempsey đều từng đứng lừng lững trước khung thành của Ghana, nhưng cú sút đều chạm chân anh thủ môn Richard Kingson. Ngay cả những quả phạt bay bổng khi rời chân Donovan cũng thế, hết chạm vai cầu thủ Ghana này đến chạm chân cầu thủ Ghana khác, ngay cả trái banh xe gió khi rời chân Robbie Findley cũng không làm sao vượt qua đôi tay của Kingson. Rõ ràng trong suốt 120 phút đồng hồ của trận cầu, trái banh mang tên Jabulani (có nghĩa là vui mừng) đã không đem lại thành công và hạnh phúc cho các cầu thủ Mỹ cũng như cho những người yêu chuộng môn bóng tròn ở Hoa Kỳ.
5. Chắc chắn trong những ngày sắp tới, sẽ có nhiều người lên tiếng chỉ trích hội tuyển Mỹ. Họ sẽ chê bai ông huấn luyện viên Bob Bradley sai lầm khi đưa Ricardo Clark vào sân, chê bai cầu thủ Mỹ đá rời rạc ở hiệp đầu và không cố gắng đúng mức ở hiệp phụ. Họ sẽ chỉ trích thủ môn Tim Howard chạy ra đón banh quá lố, chỉ trích sơ hở của hàng hậu vệ giúp Ghana hai cơ hội làm bản, trách hàng tiền đạo vội vã tung những cú sút không thể nào tung lưới đối phương. Họ cũng sẽ bảo nhau hội tuyển Mỹ vào được tới vòng 16 đã là quá mức rồi, và có đi xa hơn nữa thì cũng chẳng đi tới đâu. Họ cũng dự đoán nếu ở lại, Hoa Kỳ “chắc chắn” sẽ thua Uruguay ở tứ kết, hoặc bị Brazil hay Hòa Lan đè bẹp ở bán kết. Họ có đủ mọi lý lẽ để chê bai.
6. Nhưng chẳng vì thất bại hay bị chê bai mà các cầu thủ Hoa Kỳ không được quyền ngửng đầu hãnh diện.
Với nước Mỹ, bóng tròn không phải - và có lẽ chẳng bao giờ - là môn thể thao được ưa chuộng, nhưng trận gặp Ghana đã giúp người dân Hoa Kỳ một cơ hội để đoàn kết lại. Mọi ủng hộ, tất cả cổ võ đều dành cho đoàn tuyển thủ áo trắng đại diện cho quốc gia.
Về khả năng, mọi người đều biết sẽ chẳng bao giờ có cơ hội so sánh nghệ thuật nhồi bóng của Hoa Kỳ với tài nghệ của các nước Âu Châu hay Nam Mỹ, cũng như chẳng bao giờ có thể đem làng bóng tròn Hoa Kỳ ra để so sánh với Brazil, nhưng không thể chối cãi các cầu thủ Mỹ thể hiện hết sức của của họ trên sân, vào đến vòng 16 phải được xem là một thành quả lớn. Bằng chứng rõ nhất: trước ngày World Cup 2010 bắt đầu, chẳng mấy người tin Hoa Kỳ sẽ qua khỏi vòng bảng, cho tới khi Hoa Kỳ đứng đầu Bảng C - trên cả Anh Quốc - mọi người mới bắt đầu chú ý đến thực lực và tài nghệ của hội tuyển Mỹ.
7. Chỉ tiếc rõ ràng Hoa Kỳ còn sức để đi xa hơn nhưng lại không có cơ hội, đành phải chia tay khá sớm với World Cup Nam Phi 2010. Chia tay, nhưng với những gì đã đạt được và tạo được trên sân cỏ thế giới, các cầu thủ Mỹ có quyền hành diện đã khoác áo một hội tuyển “thắng vinh quang mà bại vẫn anh hùng.”"
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115123&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/13250222
0 comments:
Post a Comment