"Trân Thục/Người Việt
Dù trận Nhật-Paraguay diễn ra vào tối 29 tháng 6 nhưng ngay từ sáng 29 tháng 6, nhiều người Sài Gòn đã gọi điện thoại, hẹn nhau đến sân vận động Phan Ðình Phùng xem trận đấu này.
Sở dĩ sân vận động Phan Ðình Phùng trở thành điểm hò hẹn, vì đây sẽ là nơi dân ghiền bóng đá có thể xem Nhật “đụng” Paraguay với công nghệ 3D (chuyển hình ảnh theo kiểu thường thấy, thành hình ảnh nổi, giúp người xem có cảm giác đang tận mắt mục kích trận đấu), qua màn hình rộng tới 400 inches.
Cơn sốt “Avatar” (một bộ phim thực hiện bằng công nghệ 3D) vừa lắng xuống thì World Cup tiếp tục thổi sự ngưỡng mộ công nghệ 3D bùng lên.
Tuy hãng FimlStar quảng cáo cho chuyện truyền hình trực tiếp World Cup 2010 bằng công nghệ 3D, không rầm rộ bằng hãng Megastar quảng cáo cho “Avatar”, nhưng tự thân World Cup 2010 vốn đã rất hấp dẫn, nên sân Phan Ðình Phùng đông nghẹt.
Giá vé vào xem các trận đấu World Cup 2010 được truyền hình trực tiếp bằng công nghệ 3D lên tới cả trăm ngàn đồng/vé, nhưng sân vận động Phan Ðình Phùng không còn chỗ nào trống. Chẳng phải nhiều người đã từng nhận xét, hám lạ, chuộng mới là một trong những đặc điểm nổi bật của dân Sài Gòn đó sao...
21 giờ tối 29 tháng 6, Nhật ra sân, mang theo kỳ vọng không chỉ của riêng dân Nhật. Ðội bóng này còn gánh luôn cả kỳ vọng của giới hâm mộ bóng đá ở Châu Á! Paraguay không phải mang cái gánh quá nặng ấy! Ðến giờ này, đã có ba đội bóng ở khu vực Nam Mỹ lọt vào tứ kết.
Người ta tin rằng, Nhật đủ khả năng để đàng hoàng ngẩng cao đầu, bước vào vòng tứ kết. Ðó không chỉ đơn thuần là vấn đề danh dự. Ðã có một số khảo sát, phân tích và kết luận, nếu Nhật lọt vào tứ kết, kinh tế Nhật sẽ thu thêm khoảng 50 tỷ Yen. Giới chuyên gia kinh tế khẳng định, chỉ cần thắng Paraguay trong trận đấu này, doanh thu bán hàng của Nhật ở Châu Á sẽ tăng vọt.
Nhật đã từng để lại những ấn tượng đẹp và thiện cảm đặc biệt khi qua mặt Cameroon và Ðan Mạch. Thế thì hà cớ gì Nhật lại không thể thắng Paraguay?
Về lý, Paraguay có vẻ trội hơn, nhưng đa số dân cá cược ở Sài Gòn chọn Nhật. Người không cá cược cũng ủng hộ Nhật. Chỉ vì một lẽ rất đơn giản: Nhật thuộc Châu Á của... mình!
Trên sân cỏ, cả Nhật lẫn Paraguay đều chơi thận trọng. Hiệp 1 kết thúc với tỷ số 0-0. Giờ nghỉ giải lao, một số bình luận viên cho rằng, có thể cả hai đội sẽ giữ nguyên tỷ số này, cho đến khi kết thúc hai hiệp chính. Quả là hiệp 2 đã kết thúc đúng với nhận định ấy. Cũng vì vậy mà dân Sài Gòn than chán. Không thể không chán vì trận đấu được chờ đợi này diễn ra quá nhạt nhẽo.
Hai hiệp phụ bắt đầu, những người ủng hộ Nhật bắt đầu lo vì thể lực của cầu thủ Nhật không sung mãn bằng cầu thủ Paraguay. Hết hai hiệp phụ, cả hai vẫn... bất phân thắng bại.
Vòng 1/16 không thể có trận hòa. Phải phân định được thắng-bại. Vậy thì phải... đá phạt luân lưu. Nhật-Paraguay là trận đầu tiên ở vòng 1/16 xác định “kẻ ở, người đi,” bằng đá phạt luân lưu.
Căng thẳng, hồi hộp, nhiều phụ nữ không dám ngó chuyện tranh đoạt vé vào tứ kết theo kiểu này. Bạn tôi bảo: “Xem đá phạt luân lưu giống như coi thi hành án... tử hình!”
Những cầu thủ đầu tiên của cả Nhật lẫn Paraguay đều dứt điểm thành công. Thủ môn của cả hai đội đều bó tay cho đến khi Komano của Nhật sút và bóng chạm... xà!
Sân vận động Phan Ðình Phùng đột nhiên lặng ngắt. Các cầu thủ còn lại của Paraguay vẫn lạnh lùng thực hiện việc bắn những “phát ân huệ” vào lưới của Nhật. Ðiều mà ít người Sài Gòn chờ đợi đã xảy ra: Nhật thua Paraguay 3-5...
Ở Sài Gòn, có người bật khóc. Người Nhật chắc khóc nhiều. Paraguay cũng vậy. Ống kính truyền hình thu cận cảnh hình ảnh Martino, huấn luyện viên của Paraguay bật khóc. Ðây là lần đầu tiên Paraguay lọt vào tứ kết.
Vậy là dân Châu Á đã hết hy vọng nhưng không thể ngừng xem World Cup 2010. Tuy buồn vì Nhật bại trận nhưng người ta vẫn phải thức để chờ... xem Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha “đụng” nhau."
( Nguoi Viet, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115313&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/13388272
0 comments:
Post a Comment