"Văn Lang/Người Việt
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại ngỡ tiếng ai gọi đò.
Cám cảnh sông xưa nay đã hóa nương dâu, chàng thi sĩ Tú Xương của thành Nam (Ðịnh) xưa viết hai câu thơ đầy cảm khái.
Ngày nay, trong những chuyến xe đò ngược xuôi, đôi khi nghe người lơ xe (phụ xế) kêu:- Cô bác, có ai xuống bến đò không?! Người lữ khách giật mình ngái ngủ, mơ màng ngó qua cửa kiếng xe, nào đâu có thấy dòng sông, con đò nào đâu, vậy ai gọi bến đò, ngỡ chắc tại đôi tai nghe nhầm. Có những địa danh bến đò nay chỉ là con đường... cán nhựa, chạy tít tắp qua những xóm nghèo, trong nắng chiều xiêu xiêu.
Ấy vậy mà, tiếng ai như giọng Khánh Ly hát trong nắng chiều:
“Ðây An Phú Ðông
Ơi An Phú Ðông
Muôn đời uy linh sống với núi sông”.
Bài hát An Phú Ðông của nhạc sĩ Võ Ðức Thu, tưởng chừng như đưa ta tới núi rừng biên khu của rừng thiêng Yên Thế xa xăm, nào ngờ: “Con đò từng đưa đoàn quân qua muôn sông...” cách Sài Gòn chẳng bao xa. Cụ thể, từ ngã ba Chú Ía (cũ), nay là ngã tư Nguyễn Thái Sơn tới bến đò An Phú Ðông chạy xe Honda chỉ mất có... 5 phút.
Ðò An Phú Ðông không bán vé, thu tiền trực tiếp, cả người và xe Honda chỉ lấy có một ngàn đồng. Ðò qua rạch Miếu Nổi chỉ mất chưa tới 5 phút, trong khi nếu đi vòng từ ngã tư Nguyễn Thái Sơn lên ngã Tư Ga, theo quốc lộ 1A ra chợ An Phu Ðông mất phải hơn nửa tiếng.
Qua đò, chạy theo con đường cán nhựa mang tên Vườn Lài là ra quốc lộ 1A, ngay đầu cổng chợ An Phú Ðông. Ngôi chợ nhỏ, mái tôn đã hoen rỉ, cũ kỹ, không hề có bảng hiệu chợ, chỉ có người dân nơi đây mới biết đó là ngôi chợ mang tên An Phú Ðông - một địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến Pháp-Việt (1945-1954).
An Phú Ðông nay thuộc quận 12, trước đó thuộc huyện Hóc Môn, con đường mang tên Vườn Lài, vì theo những cư dân lâu đời ở đây cho biết, xưa kia hai bên đường toàn là vườn trồng lài, nhưng nay đã hết, từ khi đất lên đô thị có giá người dân bán hết. Ði dọc theo con đường khoảng 3km, không thấy một cây lài, chỉ thấy còn sót lại hai vườn mai có diện tích khá lớn...
Ghé quán ven đường Vườn Lài ăn tô bún riêu, cô chủ quán dân gốc ở đây cho biết, món bún này do gia đình cô truyền lại. Vì bún riêu nấu theo kiểu Nam có đậu hũ chiên vàng, cà chua chín đỏ, miếng huyết heo, hai miếng chả cua, miếng da heo, ăn kèm rau thơm, rau muống bào có giá sống trộn đều...
Miếng chả cua, bí kíp của cô chủ quán là nấu cua (xay) lấy riêu cua trộn với thịt nạc xay, hột vịt thành ra món chả. Cô còn cho biết, cua chồng cô đi bắt tại mấy ao, đìa còn sót lại, trước kia một đêm bắt mười mấy ký cua, nay một đêm bắt được còn chừng 1 ký.
Cách Sài Gòn bởi một con đò xoay ngang chừng 3 phút, An Phú Ðông vẫn giữ chút duyên quê, với những cô gái miệt vườn giọng Nam rặt. Hoài niệm về một thời binh lửa có lẽ chỉ còn trong ký ức những người già và trong những trang sách.
Sài Gòn thời Bến Nghé với chằng chịt kênh rạch bao quanh, địa danh của nhiều vùng ngoại vi Sài Gòn gắn liền với địa danh của những bến đò. Có những bến đò chỉ còn tên gọi gợi nhớ một thời, như bến đò Long Kiểng, bến đò Tân Phú. Những bến đò còn hoạt động như bến đò Cát Lái, bến đò Bến Ðá, bến đò Rạch Cát Sau (quận 8); bến đò Bình Quới (quận Bình Thạnh). Hai bến đò lớn là bến đò Thủ Thiêm và bến đò Bình Khánh (còn gọi là bến phà).
Qua khỏi khu Thanh Ða đi lên, đoạn một thời nổi tiếng với món cháo vịt Thanh Ða, tiếp giáp phía bên kia là khu du lịch Bình Quới, cuối con đường là bến đò Bình Quới, dòng sông khá rộng, nhất là vào mùa mưa.
Tôi đã từng đôi lần tiễn bạn qua bến đò này sang sông về quận 9. Tại bến đò này tôi có lần gặp một anh chàng sinh viên cũng đưa bạn gái sang sông, thấy họ rất bịn rịn chia tay nhau, cô gái lên đò anh chàng còn nhắn tin, gọi điện cho đến khi cô gái lên tới bờ bên kia sông, chỉ còn lại là một cái hình bóng mờ, nhỏ xíu.
Hỏi thăm anh chàng, làm gì mà quyến luyến quá vậy, làm như chia tay đi nước ngoài không bằng? Anh chàng sinh viên cho biết rất lo cho bạn gái, vì cô yếu đuối, nhút nhát, lại không biết bơi, con đò thì nhỏ mà dòng sông thì rộng... Nghe vậy, tự nhiên trong đầu tôi bật lên hình ảnh một câu thơ của một người thi sĩ tôi đã quên tên: “Em đi áo mỏng buông hờn tủi!”
Những bến đò ở Sài Gòn đều ghi rõ nội quy đi đò khách phải bận áo phao, nhưng chưa bao giờ thấy ai bận, dù áo phao cũng thấy có treo đầy trên những con đò qua sông rộng.
Tại phường 7 quận 8, cách nhau một đoạn không xa là hai bến đò. Bến đò Bến Ðá nằm tại đường Rạch Cùng, qua bên kia sông là bến Phú Ðịnh thuộc phường 16 quận 8. Có đường đi chợ đầu mối Bình Ðiền, đi ra Phú Lâm, quốc lộ 1A và xa cảng miền Tây. Bến kia nằm trên đường Phạm Thế Hiển, đó là bến đò Rạch Cát Sau, qua bên kia sông là đường Lưu Hữu Phước, thuộc phường 15, quận 8.
Bến Rạch Chiếc Sau nước đen ngòm như nước cống, cư dân lâu đời ở đây cho biết, hồi xưa nước cũng trong xanh, thủa nào họ vẫn tắm, còn bây giờ, tới heo cũng... hổng dám tắm! Người dân ước mơ một cây cầu bắc qua rạch để nhịp cầu nối những bờ vui. Ði đò trên dòng kênh đen hoài cũng “oải” - Một người dân đi đò ngao ngán cho biết. Còn phía bến Phú Ðịnh qua bến đò Bến Ðá, tuy dòng sông rộng nhưng cũng rác rến lềnh bềnh, người soát vé đò cho khách qua sông tiện tay ve những vé đò rồi liệng luôn xuống sông.
Ðầu năm 2008 khai thông cầu Thủ Thiêm, nối đường Lương Ðình Của quận 2 với đường Ngô Tất Tố - Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh. Lượng khách qua phà Thủ Thiêm giảm chỉ còn 1/5, ban đêm phà ngưng chạy. Như vậy, từ 1990 trở về trước Thủ Thiêm là một bến đò quan trọng với những chuyến đò ngang đưa khách qua sông, sau 1990 vì lý do an toàn nên cấm đò ngang đưa khách qua sông, chỉ cho phà chạy.
Khai thông cầu Thủ Thiêm và sắp tới đây là đường hầm vượt sông qua Thủ Thiêm, có lẽ bến đò Thủ Thiêm như một dấu ấn của Sài Gòn sắp đến ngày chỉ còn tồn tại trong một câu hò xưa của người dân: “Sài Gòn có bến Chương Dương, có Dinh Ðộc Lập, có đường Tự Do, có Chợ Quán, có Cầu Kho, có bến xe thập tỉnh, có bến đò Thủ Thiêm”.
Ngoài đường hầm Thủ Thiêm đang xây dựng, một dự án khác là cầu xây cho bến phà Bình Khánh, nối Sài Gòn với khu vực sinh thái Cần Giờ cũng đang được bàn tới. Nhưng điều quan trọng là ngân sách của Sài Gòn hay của những nhà đầu tư vì vấn đề đầu tiên là tiền đâu? Chỉ vì không có tiền mà dự án khu du lịch Thanh Ða - Bình Quới, trong đó cũng có một cây cầu vượt sông thay cho bến đò đã “treo” 20 năm nay gây khó khăn cho đời sống của nhiều cư dân ở đây.
Nếu có thể hóa thành nương dâu cho đời sống người Việt Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng bớt khổ thì kể cũng đáng mừng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì người Sài Gòn qua sông vẫn phải lụy đò, đời sống của những cư dân bên kia sông - nơi cách thị thành chỉ một tiếng “hú” vẫn là một quầng tối buồn.
Ước gì Sài Gòn chỉ còn lại những chuyến đò du lịch, địa danh những bến đò chỉ còn lại trong những câu hát ru, để các em nhỏ tới trường không phải thấp thỏm lo mưa nắng trễ giờ học và không có em nhỏ nào phải cởi quần áo lội sông tới trường hay phải “đu dây” để đi tìm con chữ mong thoát khỏi cuộc đời không ánh sáng."
( Nguoi Viet http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113662&z=1 )
Xem đầy đủ bài viết tại http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/12076482
0 comments:
Post a Comment